Thứ Hai, 12 tháng 6, 2017

Các thuật ngữ thường gặp trên thị trường giao dịch tương lai Futures (Phần 1)

Thị trường Futures được coi là thị trường dễ tiếp cận nhất trong số các thị trường giao dịch phái sinh. Yếu tố "dễ tiếp cận" ở đây đến từ việc các yếu tố cấu thành thị trường hầu hết đã được chuẩn hóa, tạo thuận tiện cho các bên giao dịch trên thị trường. Tuy vậy, để giao dịch trên thị trường Futures, đặc biệt là Futures hàng hóa, nhà đầu tư vẫn cần phải nắm thêm khá nhiều các thuật ngữ mới mẻ để không bị vướng vào "ma trận" các thông số giao dịch. Sau đây, commovn xin tổng hợp (theo chủ quan tác giả) những thuật ngữ cơ bản mà nhà đầu tư thường gặp trên thị trường Futures hàng hóa.

1. Thị trường hàng thực vs Thị trường kỳ hạn: Hầu hết các thị trường hàng hóa trên thế giới đều được chia thành 2 thị trường chính, bao gồm thị trường hàng thực (cash market) và thị trường kỳ hạn (futures market). Thị trường hàng thực hàm ý bao gồm những giao dịch hàng thực với các hợp đồng giao ngay theo phương thức truyền thống. Trong khi đó, thị trường kỳ hạn lại được cấu thành từ những giao dịch mua bán diễn ra trong tương lai, và đôi khi không liên quan tới nghiệp vụ giao/nhận hàng (điều này sẽ được giải thích ở mục Cash settlement vs Physical settlement).

Điều quan trọng cần ghi nhớ là giá cả hàng hóa trên thị trường hàng thực và thị trường kỳ hạn thường có sự chênh lệch. Điều này khá dễ hiểu vì để hàng hóa giao dịch trong tương lai thì giá sẽ bị đội lên do các chi phí lưu trữ kho bãi và bảo hiểm hàng hóa. Vì vậy, trong một điều kiện bình thường, giá trên thị trường kỳ hạn sẽ cao hơn trên thị trường hàng thực, hay còn gọi là contango. "Điều kiện bình thường" ở đây ám chỉ khi nguồn cung hàng hóa trên thị trường đang dồi dào, còn trong trường hợp hàng hóa khan hiếm thì thực tế giá trên thị trường hàng thực có thể cao hơn giá trên thị trường kỳ hạn, phản ánh quy luật cung cầu cơ bản. Trường hợp này được gọi với thuật ngữ backwardation.


Contango vs Backwardation. Nguồn: Investopedia.
==> Tại sao điều này quan trọng? Thông qua quan sát một thị trường đang trong trạng thái contango/backwardation có thể cho nhà đầu tư các thông tin quý giá về cung/cầu trên thị trường hàng thực. Ngoài ra, các chiến lược trading spread/rolling kỳ hạn lại càng quan tâm hơn đến thông tin này. Các chiến lược đầu tư nâng cao này sẽ được đề cập tới các bài viết sau của chúng tôi.

2. Long vs Short:
Trên thị trường Futures chúng ta thường nghe đến 2 động tác cơ bản nhất là long và short. Long có nghĩa là nhận vị trí bên MUA HÀNG trên thị trường, Ngược lại, short có nghĩa là nhận vị trí bên BÁN HÀNG trên thị trường. Lệnh Long và Short có thể được thực hiện theo bất kỳ thứ tự nào, nghĩa là không cần phải mua hàng trước mới được bán hàng, mà có thể bán hàng trước rồi mua bù sau (hành động này được gọi là bán khống). Một trạng thái chỉ được đóng khi có một lệnh đối ứng ngược chiều.

Mặc dù giao dịch dựa trên hàng hóa thực tế tuy nhiên theo một số thống kê tới 90% giao dịch trên thị trường Futures không thực hiện giao/nhận hàng thực. Điều này là do lượng hàng thực trên sàn được tập trung tại một số điểm lưu trữ (warehouses) trên thế giới, trong khi không phải hedgers/traders nào cũng có thể tiếp cận và giao nhận từ các điểm này một cách dễ dàng với chi phí thấp. Chính vì vậy phần lớn các giao dịch được thực hiện thông qua thanh toán tiền mặt (cash settlement).

3. Margin và Lot:
Khi tham gia giao dịch trên thị trường Futures hàng hóa và thực hiện các hoạt động mua bán, thực chất các bên không trả toàn bộ giá trị của lô hàng, mà chỉ bỏ một phần tiền ký quỹ (thường tương đương 5-10% giá trị toàn bộ lô hàng). Tỷ lệ ký quỹ này được chính là khái niệm của Margin. 

Trong khi đó, Lot là đơn vị tiêu chuẩn cho 1 đơn vị lô hàng giao dịch trên sàn giao dịch hàng hóa. Đối với các thị trường và các hàng hóa khác nhau thì đơn vị Lot này lại được quy định khác nhau. Chẳng hạn 1 lot cà phê Robusta tương đương 10 tấn cà phê hàng thực, trong khi 1 lot cà phê Arabica tương đương 37500 pounds cà phê hàng thực.

Bảng tham khảo Margin và Lot size của 1 số loại hàng hóa:

Loại hàng hóa
Robusta Coffee (Nybot)
Arabica Coffee (Liffee)
Soybean
(CME CBOT)
Copper (LME)
Brent (IPE)
Ký quỹ/lot (tham khảo)
2970 USD
1320 USD
2310 USD
12775 USD
4070 USD
Tỷ lệ ký quỹ/ giá trị hàng thực*
6.3%
6.6%
5%
9%
8%
Lot size
37.500 pounds
10 Tấn
5.000 bushels (~ 136 tấn)
25 tấn
1.000 thùng

* Tỷ lệ ký quỹ trong bài viết được tính toán dựa trên giá đóng cửa ngày 6/6/2017 của kỳ hạn gần nhất đối với từng mặt hàng. 

4. Ngày thông báo đầu tiên (First Notice day): 

Như đã đề cập ở trên, tới 90% giao dịch trên thị trường Futures trên thế giới hiện nay không thực hiện giao/nhận hàng thực. Hiện tại, theo quy định từ phía Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, các doanh nghiệp tại Việt Nam tham gia hedging trên thị trường Futures không được phép thực hiện giao/nhận hàng thực và chỉ thực hiện tất toán trạng thái thông qua thanh toán tiền mặt. Đối với các giao dịch tất toán thông qua thanh toán tiền mặt, việc quan tâm đến ngày thông báo đầu tiên (First Notice day) có ý nghĩa cực kỳ quan trọng, thậm chí quan trọng hơn ngày giao dịch cuối cùng của hợp đồng.
 
Về định nghĩa, ngày thông báo đầu tiên là ngày giao dịch đầu tiên mà phía bên mua bắt buộc phải chấp nhận giao hàng thực từ bên bán, trong trường hợp bên bán muốn thực hiện giao hàng, Nguyên tắc hoạt động của sở giao dịch hàng hóa là vào ngày thông báo đầu tiên, sở giao dịch sẽ thực hiện thống kê số lượng trạng thái bán muốn thực hiện giao hàng thưc cùng với số lượng trạng thái mua vẫn còn chưa tất toán; sau đó, sở giao dịch sẽ thực hiện thông báo giao hàng cho các trạng thái mua theo nguyên tắc first in - first out, nghĩa là các trạng thái mua được mở càng sớm thì sẽ được ưu tiên nhận thông báo giao hàng càng sớm. Điều này tạo ra rủi ro cho bên MUA HÀNG nếu bên mua không có ý định nhận hàng, hay trong trường hợp ở Việt Nam hiện nay là không được phép nhận hàng. Cần chú ý, rủi ro này KHÔNG TỒN TẠI với bên BÁN HÀNG, do bên bán hoàn toàn có thể lựa chọn giao hàng hoặc không cho tới ngày giao dịch cuối cùng.

==> Tại sao điều này quan trọng? Mặc dù chỉ bên mua hàng chịu rủi ro và bắt buộc phải đóng trạng thái để tránh rủi ro, tuy nhiên ngày thông báo đầu tiên vẫn thường được hiểu ngầm như thời điểm để cả bên mua và bên bán tất toán trạng thái và thực hiện chuyển sang giao dịch hợp đồng tháng tiếp theo. Nguyên nhân là mặc dù bên bán không bắt buộc phải đóng trạng thái nhưng sau ngày thông báo đầu tiên khối giao dịch của hợp đồng thường rơi xuống rất thấp (do bên mua không còn hoạt động), khiến cho bên bán có muốn đóng trạng thái cũng rất khó khăn và phải chịu mức spread cao so với trước ngày thông báo đầu tiên. Ngoài ra, quan sát giao dịch vào ngày thông báo đầu tiên cũng rất quan trọng vì nó có thể cho những thông tin quý giá về tương quan bên mua và bên bán trên thị trường khi những trạng thái mua cuối cùng bắt buộc phải đóng.

Related Posts:

0 nhận xét:

Đăng nhận xét