Thứ Bảy, 6 tháng 5, 2017

Phòng vệ rủi ro giá cả hàng hóa thông qua công cụ phái sinh - Để nông dân không còn cảnh mất mùa được giá, được mùa mất giá?

Phái sinh hàng hóa (Commodities Derivatives) - Công cụ không còn xa lạ trên thế giới

Trước hết, cần phải nói hình thức phòng vệ rủi ro giá cả hàng hóa (hedging) thông qua các công cụ phái sinh đã tồn tại từ rất lâu trên thế giới. Tại thời điểm giữa những năm 1840, Chicago là thành phố thương nghiệp lớn nhất thời điểm bấy giờ tại khu vực Bắc Mỹ. Ở đó những người nông dân dễ dàng tìm được người mua cho những sản phẩm của họ, và những nhà sản xuất cũng không gặp quá nhiều khó khăn trong việc tìm nguồn nguyên liệu cho hoạt động của các nhà máy vốn luôn hoạt động hết công suất. 

Tuy nhiên, bất chấp vị trí đắc địa của mình, vấn đề về thời gian và địa điểm lưu trữ hàng hóa cũng như chi phí vận chuyển luôn khiến cho giá cả hàng hóa đội lên một cách bất hợp lý. Điều này là khó tránh khỏi vì muốn bán được hàng với tư cách người nông dân bạn sẽ phải, bằng một cách nào đó, đưa hàng hóa tới Chicago vào đúng những thời điểm nhất định trong năm. Thực tế vào những năm 1840 điều này là không hề dễ dàng do khi đó chưa hề có những biện pháp lưu trữ hàng hóa một cách thuận tiện, cũng như việc di chuyển tới Chicago mang theo lượng hàng lớn cũng gặp đầy rẫy những khó khăn với những con sông đóng băng và đường ray xe lửa đông cứng vào mùa đông. Giá cả trên thị trường được quyết định bởi cung cầu, tuy nhiên những yếu tố trên khiến giá cả hàng hóa đội lên gây thiệt hại không nhỏ cho cả bên mua và bên bán.
Những dòng sông và đường ray đóng băng tại Chicago thường gây khố khăn cho vận tải hàng hóa
Thật may mắn, một số thương gia chuyên về nông sản đã tập hợp lại và đưa ra giải pháp cho vấn đề này: Sở Giao dịch Hàng hóa Chicago (Chicago Board of Trade - CBOT) được thành lập. Sàn giao dịch này tới nay vẫn đang tồn tại và hoạt động, với danh nghĩa là một nhánh của Tập đoàn CME. Được thành lập năm 1848, CBOT chính là sàn giao dịch hàng hóa lâu đời nhất thế giới. Và bạn có thể sẽ bất ngờ khi biết sản phẩm được giao dịch đầu tiên trên sàn CBOT chính là pork belly, hay dân gian Việt Nam ta vẫn gọi là thịt ba chỉ. Vậy điều gì đã tạo nên sự khách biệt của một sàn giao dịch hàng hóa, so với hình thức thuận mua vửa bán truyền thống?

Sở Giao dịch Hàng hóa Chicago tại thời điểm hiện tại.
Hợp đồng kỳ hạn (Forward contract) - Bước đột phá về công cụ tài chính

Hợp đồng kỳ hạn về bản chất là một thỏa thuận giữa bên mua và bên bán về giá của một loại hàng hóa tại một thời điểm xác định trong tương lai. Chẳng hạn, tại thời điểm tháng 7, một người nông dân dự tính sẽ thu hoạch và bán hàng cho đối tác trong tháng 10. Hai bên có thể tham gia vào một hợp đồng để giao dịch được thực hiện tại một thời điểm và địa điểm cụ thể trong tương lai, và quan trọng nhất là tại một mức giá được định sẵn ngay từ ngày hợp đồng được ký kết, Dễ dàng nhận thấy, một hợp đồng như vậy loại bỏ hoàn toàn rủi ro về biến động giá cho cả bên bán và bên mua, trong thời gian hợp đồng có hiệu lực. Với các hợp đồng như vậy, rủi ro về việc mất mùa được giá, được mùa mất giá đã được loại bỏ đi đáng kể.

Các loại công cụ phái sinh cơ bản
Nghe thật hoàn hảo phải không? Một hợp đồng loại bỏ rủi ro giá - còn gì tuyệt vời hơn thế. Thế nhưng thực chất hợp đồng kỳ hạn vẫn còn một điểm yếu chí mạng: Hợp đồng kỳ hạn chỉ loại bỏ rủi ro về giá khi cả 2 bên đều thực hiện đúng và đẩy đủ cam kết trong hợp đồng. Vẫn trong ví dụ trên, hãy tưởng tượng nếu tới thời điểm tháng 10 giá của loại hàng hóa trên thị trường tự do lại cao hơn giá đã thỏa thuận trong hợp đồng. Dường như bên bán sẽ chẳng dại gì mà tôn trọng cam kết trong hợp đồng và bán cho đối tác với giá thấp, thay vì ra thị trường tự do và bán hàng với giá cao hơn. Để giải quyết vấn đề này, một công cụ mới đã được sáng tạo ra để chuẩn hóa các giao dịch nhằm bảo vệ quyền lợi chính đáng cho các chủ thể tham gia thị trường. Công cụ này mang tên Hợp đồng tương lai (Futures Contract).

Hợp đồng tương lai (Futures Contract) - Khi các Hợp đồng kỳ hạn được chuẩn hóa 

Bạn sẽ thắc mắc việc chuẩn hóa mang lại lợi ích gì cho các bên thêm gia thị trường. Trước hết, với vấn đề các bên tham gia thị trường không thực hiện đúng cam kết, sàn giao dịch yêu cầu mỗi bên khi tham gia hợp đồng đều phải bỏ ra một mức ký quỹ nhất định. Trong trường hợp có một bên không thực hiện đúng các điều khoản trong hợp đồng, bên chịu lỗ sẽ được nhận phần ký quỹ của bên còn lại như một hình thức đền bù, ít nhất là một phần, cho các khoản lỗ họ phải ghi nhận. 

Ngoài việc phải ký quỹ, việc chuẩn hóa các chi tiết trong hợp đồng về thời gian, địa điểm giao hàng, khối lượng giao dịch, chất lượng hàng hóa cũng giúp cho người mua và người bán thuận tiện hơn nhiều trong việc thực hiện các giao dịch, hay nói các khách là cung và cầu dễ gặp nhau hơn. Thêm vào đó các hợp đồng giao dịch được đảm bảo bởi các sàn giao dịch - điều này cũng khiến cho rủi ro các bên không thực hiện đúng cam kết bị loại bỏ hoàn toàn. 

Hợp đồng tương lai - Sự chuẩn hóa tạo nên giá trị
Sự ra đời của hợp đồng tương lai đã tạo ra một sự bùng nổ của giao dịch hàng hóa. Giá xác định trên các sàn giao dịch tương lai hiện nay còn trở thành giá tham chiếu cho đa số các giao dịch hàng hóa trên thế giới, nhờ tính minh bạch và công khai của nó. 

Ở Việt Nam hiện tại, việc các doanh nghiệp tiếp cận với các công cụ phòng vệ rủi ro giá cả hàng hóa vẫn còn rất hạn chế. Tuy nhiên, một số doanh nghiệp tiên phong đã bước đầu tham gia các sàn giao dịch hàng hóa quốc tế với các mặt hàng như nông sản (cà phê, cao su, đậu tương,...), kim loại (đồng, chì, nhôm,...) hay năng lượng (các sản phẩm từ dầu thô). Việc kết nối với các sàn giao dịch quốc tế hiện nay vẫn phải thông qua các Ngân hàng Thương mại như một trung gian tài chính. Một số Ngân hàng đi đầu trong việc cung ứng các sản phẩm này bảo gồm MB, Techcombank, BIDV,... Đầu năm 2017, NHNN cũng đã ban hành Thông tư 40 (xem tại đây) quy định hoạt động cung ứng sản phẩm phái sinh giá cả hàng hóa của Ngân hàng thương mại. Đây có thể coi là nền móng đầu tiên cho việc phát triển các công cụ phái sinh hàng hóa tại Việt Nam, và kỳ vọng trong tương lai bài toán được mùa mất giá, mất mùa được giá sẽ không còn là ám ảnh đối với nông dân Việt Nam. 

**Nguồn tham khảo: A Trader's First Book on Commodities: An Introduction to the World's Fastest Growing Market (2nd Edition)


0 nhận xét:

Đăng nhận xét